Rằm tháng 7 là một ngày lễ truyền thống của người Việt Nam, nó không chỉ là một ngày rằm thông thường mà còn là ngày lễ Vu Lan - ngày con cháu tỏ lòng hiếu kính với tổ tiên, ông bà, cha mẹ và cũng là ngày Xá tội vong nhân (hay còn gọi là lễ cúng cô hồn). Vì vậy, trong ngày này, hầu hết các gia đình đều chuẩn bị mâm cơm cúng rằm tháng 7 thật tươm tất để dâng lên thần linh, tổ tiên... cũng như chuẩn bị riêng một lễ cúng cô hồn để xua đi những điều xui xẻo, tiễn những vong hồn trên trần thế về Âm phủ để được siêu thoát.
Thông thường, trong lễ cúng rằm tháng 7 thường có mâm cơm cúng thần linh, gia tiên ở trong nhà và mâm lễ cúng cô hồn ở ngoài trời. Tuy nhiên, một số gia đình thờ Phật thì còn có thêm cả mâm cỗ chay nữa. Cụ thể, mâm cơm cúng rằm tháng 7 gồm:
Mâm cúng gia tiên rằm tháng 7
Mâm lễ cúng rằm tháng 7 trong nhà hay còn gọi là cúng thần linh và gia tiên, thường sẽ là mâm cúng mặn. Để tỏ lòng thành kính thì bạn nên chuẩn bị mâm cúng tươm tất, các món ăn đa dạng cùng những thực phẩm bổ dưỡng, tươi sạch nhất. Mâm cúng thần linh, gia tiên thường gồm các món ăn quen thuộc như xôi, gà luộc, canh, cơm, cá kho, món xào, món nộm... kèm theo là trái cây, hoa cúng, nước, rượu, nhang, nến, vàng mã...
Mâm cúng chúng sinh ngoài trời
Mâm cúng chúng sinh hay còn gọi là cúng cô hồn vào rằm tháng 7, để thể hiện tấm lòng của người cõi trần đối với những linh hồn đang còn vấn vương trần gian. Vào chiều tối ngày 14 hoặc 15/7 âm lịch, mâm cúng cô hồn thường được đặt bên ngoài trời, trước cửa nhà hoặc được thực hiện ở chùa. Mâm cúng chúng sinh vào tháng 7 bao gồm 1 số lễ vật sau:
• Muối gạo
• Cháo trắng nấu loãng
• Hoa quả
• Quần áo chúng sinh (cô hồn) nhiều màu sắc khác nhau
• Các loại bỏng ngô, bánh kẹo
• Tiền vàng
• Nước
• 3 nén hương và 2 ngọn nến nhỏ
Hy vọng rằng, những thông tin trong bài viết này sẽ giúp bạn chuẩn bị được một lễ cúng rằm tháng 7 đầy đủ, thành kính nhất dâng lên thần linh, gia tiên. Cảm ơn đã theo dõi bài viết và hẹn gặp lại bạn trong các bài viết sau!